Người ta thường nhắc đến lễ nhập trạch là một nghi thức quan trọng khi chuyển nhà mới. Bạn có biết lễ Nhập trạch là gì? Thủ tục nhập trạch nhà mới như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu và giải đáp những câu hỏi qua bài viết dưới đây nhé!
Nhập trạch là gì?
Trong ngôn ngữ Hán Việt, “nhập” có nghĩa là vào, “trạch” có nghĩa là nhà. Như vậy, lễ nhập trạch có ý nghĩa là lễ dọn vào nhà mới. Đây là nghi lễ cổ truyền được thực hiện mỗi khi gia đình chuyển về một căn nhà mới. Lễ nhập trạch là lễ “đăng ký hộ khẩu” với thần linh, thổ địa đang cai quản ngôi nhà. Theo quan niệm của ông cha ta từ xa xưa thì ở mỗi một vùng đất lại có những vị thần cai quản và trấn an phong thủy. Vì thế nhập trạch được xem như là một nghi lễ để báo cáo cho thần thổ địa cũng như các vị quan cai quản khu đất mà gia đình bạn sẽ chuyển tới ở để mong các ngài phù hộ cho gia đình mình.
Ý nghĩa lễ nhập trạch
Người Việt từ xa xưa đã có quan niệm, mỗi khu vực, mỗi vùng đất đều có những vị thần linh cai quản và trấn an phong thủy. Vì vậy, khi chuyển đến căn nhà đó, phải làm lễ để khai báo các Ngài về việc bạn sẽ chuyển đến đó sinh sống, làm ăn và bày tỏ mong muốn được phù hộ cho cuộc sống tại nhà mới được bình an.
Hơn nữa, do chỗ thờ của các bậc gia tiên, Thần Tài Thổ Địa cũng có sự thay đổi khi chuyển nhà mới nên qua mâm cơm cúng nhập trạch, gia chủ báo với bề trên rằng ngôi nhà đã may mắn hoàn tất, mong cầu sự chứng giám của tổ tiên, ban phước lành tài lộc cho gia đình.
Chuẩn bị gì cho lễ nhập trạch
Xem ngày tốt chuyển nhà
Chuyển nhà mới, nhập trạch cũng đồng nghĩa với việc thay đổi với môi trường sống, không gian sống và cả nguồn khí vận mới, có thể mang lại cả tác động tích cực lẫn tiêu cực đến gia đình. Để một phần hóa giải điềm xui xẻo và thu hút tài lộc, may mắn gia chủ nên chọn ngày tốt để làm lễ nhập trạch.
Những ngày này phải là ngày hoàng đạo đệnh gia chủ. Nên tham khảo ý kiến thầy cúng hoặc chuyên gia phong thủy để biết ngày nhập trạch đẹp, phù hợp nhất.
Ai là người cúng nhập trạch?
Ngày nhập trạch có người tự làm lễ, có người mời thầy về. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng trong ngày này, gia chủ tự làm lễ sẽ tốt hơn vì bày tỏ trực tiếp lòng thành của mình với thần linh và gia tiên và sắp xếp lễ bái chủ động hơn. Nếu bạn chưa biết nhiều về lễ nhập trạch, tốt nhất nên mời thầy về cúng bái.
Vật phẩm cúng nhập trạch có những gì?
Khi đã xác định được ngày tốt để tiến hành lễ cúng nhập trạch, gia chủ cần tiến hành chuẩn bị mâm cúng nhập trạch. Để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào trong quá trình chuẩn bị, gia chủ có thể tham khảo mẫu mâm cúng dưới đây:
1. Hoa tươi: Nên chọn những loại hoa tươi như hoa huệ trắng, hoa ngọc lan, hoa cúc, hoa hoàng lan…
2. Ngũ quả: Thông thường, mâm cúng sẽ bao gồm các loại ngũ quả như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, ớt, bưởi, quất, lê…
3. Hương (nhang): Để cúng thần linh, cần chuẩn bị hương thảo để sử dụng trong buổi lễ.
4. Nến cốc: 1 cặp nến để thắp sáng trong lễ cúng.
5. Một bộ Tam sên: Gồm tôm, cua, thịt và trứng vịt, chuẩn bị mỗi loại 1 con/miếng/quả.
6. Gà luộc: 1 con gà để thể hiện sự tôn trọng đối với thần linh.
7. Xôi: 1 đĩa xôi để bày trên mâm cúng.
8. Ba miếng trầu têm sẵn: Để sẵn sàng trong lễ cúng.
9. Muối gạo: 1 đĩa muối gạo để đặt trên mâm cúng.
10. Muối – gạo – rượu: Chuẩn bị mỗi loại 1 lọ để thể hiện sự linh thiêng trong lễ cúng.
11. Trà – Rượu – Nước: Chuẩn bị mỗi loại 3 lọ để thể hiện sự phong phú và trân trọng.
12. Bộ vàng mã: Gồm 6 con ngựa nhiều màu, cùng với mũ, kiếm, giày và quần áo cho các con ngựa. Mũ áo quan, tào quan, tiền giấy và vàng lá cũng cần chuẩn bị, mỗi loại 1 tập. Sau khi chuẩn bị, các vật dụng này cần được sắp xếp tại các hướng tương ứng trong nhà, bao gồm Nam, Tây, trung tâm nhà, Bắc và Đông.
Thủ tục nhập trạch nhà mới
Đến giờ tốt: Gia đình thực hiện chuyển đồ đạc vào nhà theo quy tắc sau:
Vợ gia chủ cầm một chiếc gương đi vào nhà, mặt gương chiếu vào trong nhà. Tiếp theo gia chủ cẩn thận bê bát hương đặt lên bàn thờ. Những người còn lại trong nhà tiếp tục mang: bếp lửa (tốt nhất là bếp còn đang cháy đỏ từ nhà cũ đem tới; nếu ở thành phố phải lắp bếp ga trước thì có thể đem theo bếp ga du lịch cho tiện, nếu không thì sử dụng bếp lắp sẵn trước cũng được; không dùng bếp điện, bếp từ), chiếu, đệm, gạo, nước, muối, đồ tư trang quý giá…
Nếu nhà vắng đàn ông thì người bê bát hương là vợ, tiếp theo là các con lần lượt bê bếp, gạo, nước… vào. Không ai được đi tay không vào nhà.
Vào giờ tốt đặt lễ lên bàn thờ: Xôi gà đặt bên phải (từ ngoài nhìn vào); lễ chay bên trái.
Về vị trí bát hương, theo hướng từ dưới nhìn lên: Thần linh đặt giữa; gia tiên bên phải, bà cô (nếu có) bên trái; Y mã phục đặt trên ban thờ hoặc trên chiếc bàn trước ban thờ; Lễ chúng sinh đặt trước cửa.
Đổ đầy nước vào xô, tượng trưng cho của cải dồi dào.
Hành lễ:
Lần 1: Cúng Thổ công (Thần linh)
Thắp 3 nén hương: Cắm bát hương thần linh trước rồi đến gia tiên và bà cô.
Rót rượu vào 3 chén trên ban thờ (rót ít vì còn phải rót 2 lần nữa mới đầy chén).
Đọc bài khấn Thổ công (Thần linh).
Lần 2: Cúng an trạch (trường hợp xây nhà mới)
Cúng Thổ công xong thì thắp tiếp 1 nén hương, rót tiếp một ít rượu vào 3 chén; bắc bếp đun nước, pha trà, rót trà ra chén đặt dưới chiếu cúng trước ban thờ.
Đọc bài khấn an trạch.
Lần 3: Cúng gia tiên
Cúng an trạch xong thắp tiếp 1 nén hương; rót rượu đầy vào 3 chén; dâng trà lên ban thờ để cúng gia tiên.
Đọc bài khấn gia tiên.
Hàn long mạch (trong trường hợp xây nhà mới):
Nếu trường hợp xây nhà mới, cúng gia tiên xong thì thắp 1 nén hương cắm vào ca đựng nước ngũ vị đặt trước ban thờ. Khi hết hương thì lấy nước đó tưới xung quanh nhà vào chân tường phía bên ngoài để hàn long mạch. Nếu nhà liền kề thì tưới chân tường phía trong nhà cũng được nhưng phải để 1 ngày 1 đêm mới được lau; phía trước cửa thì tưới phía ngoài.
Cúng chúng sinh (trong trường hợp nhà xây mới):
Thắp 5 nén hương, múc 1 bát nước lã rồi cúng chúng sinh.
Cúng xong rắc 3 nhúm gạo và 3 nhúm muối ra trước cửa; còn lại để dùng.
Hóa vàng: Cúng chúng sinh xong thì hóa vàng; hóa vàng trên ban thờ trước rồi hóa vàng cúng chúng sinh sau.