Thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa của người Việt xưa và nay. Bàn thờ tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, không kể giàu nghèo hay địa vị xã hội. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp đến quý vị bạn đọc hiểu rõ hơn về phong tục và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong văn hóa của người Việt Nam ta.
Vì sao người Việt thờ cúng tổ tiên?
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc từ nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ quyền xưa. Khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam, chữ hiếu được đề cao, đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc. Gia đình, gia tộc, và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao.
Đến thế kỷ XV, Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, nhà Lê đã thể chế hóa việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ, việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: Cha, mẹ, ông bà, cụ, kỵ); ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù con cháu nghèo cũng không được cầm bán… Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách “Thọ mai gia lễ.”
Từ đó, tục thờ cúng tổ tiên được duy trì và tiếp tục đến ngày nay. Nó đã trở thành một phong tục, chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén hương lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết hoặc ngày giỗ cũng thể hiện được tấm lòng thành kính của con cháu với gia tiên và những người đã khuất.
Ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Thông qua phong tục này, nó không chỉ thể hiện ý thức luôn hướng về nguồn cội, bày tỏ lòng hiếu thảo mà còn mang giá trị về mặt tâm linh.
Lưu giữ ký ức tốt đẹp với những người đã khuất
Trong gia đình người Việt, hình ảnh của những người thân đã khuất luôn hiện hữu và không xa rời đời sống của những thành viên khác. Vì thế, mỗi người khi mất đi đều được lưu giữ những hình ảnh thân thuộc nhất trên ban thờ. Việc thờ cúng được lặp đi lặp lại như một công việc quen thuộc, khơi dậy cho con cháu những kí ức tốt đẹp về tổ tiên.
Nhắc nhở ý thức về cội nguồn
Theo quan niệm truyền thống, tổ tiên không chỉ là những người cùng chung huyết mạch như ông bà, cha mẹ, là những đấng sinh thành ra ta. Tổ tiên còn là những bậc anh hùng có công bảo vệ đất nước, làng xóm trong lịch sử xưa nay. Nhờ công sức của họ mới có chúng ta ngày hôm nay. Chính vì thế, với đạo lý uống nước nhớ nguồn nên thờ cúng tổ tiên thành cẩn là xuất phát từ lòng hiếu kính nhớ ân thâm nghĩa trọng.
Thời điểm thờ cúng tổ tiên
Trong phong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt thường coi trọng ngày cúng giỗ của những người đã khuất trong gia đình. Ngày giỗ thường được tính theo Âm lịch, được các thành viên trong gia đình ghi nhớ và làm cỗ cúng hàng năm.
Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mùng một (Sóc) và ngày rằm (Vọng) hàng tháng. Bên cạnh đó, còn có các dịp lễ Tết khác trong năm như Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu….
Ngoài ra, những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử…, người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công.
Cách sắm lễ và thờ cúng trên bàn thờ tổ tiên
Tùy vào mỗi dịp trong năm cũng như phong tục từng vùng miền mà những lễ vật để bày trí bàn thờ gia tiên sẽ có sự khác nhau. Thông thường có 2 cách sắm lễ là sắm lễ chay và sắm lễ mặn. Vào những ngày bình thường, trên ban thờ sẽ đặt những đồ lễ chay như bánh kẹo, hương hoa, quả oản… Tuy nhiên, vào những dịp quan trọng hơn, gia chủ sẽ bày đầy đủ một mâm cúng lên bàn thờ gia tiên để bày tỏ lòng thành kính.
Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà tầng). Trên bàn thờ thì bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố, chỗ thắp nến. Đồ cúng cơ bản không thể thiếu hương, hoa, chén nước lã. Ngoài ra có thể có thêm thức ăn, trà rượu, và có khi có cả đồ vàng mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy), tiền âm phủ…
Như vậy, ý nghĩa sâu xa của việc cúng lễ là đạt đến đỉnh cao của Chân – Thiện – Mỹ. Việc cúng lễ không cần cầu kì, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình nhưng gia chủ nên có cái tâm thành kính hướng tới ông bà tổ tiên. Mong rằng với những kiến thức được chia sẻ trên đây, mỗi người sẽ hiểu hơn về phong tục truyền thống cũng như ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên.
Xem thêm
- Văn khấn ngày giỗ ông bà, tổ tiên theo phong tục Việt Nam
- Văn khấn Thổ Công và các vị thần ngày rằm, mùng 1
- Bài khấn Thần Tài Thổ Địa xin lộc vào Mùng 10, mùng 1 và 15